Phân biệt xe SUV và xe CUV (crossover)

Admin 30/07/2019 0 nhận xét

Phân biệt crossover (CUV) và SUV

Rất nhiều người không thể phân biệt được thế nào là một chiếc crossover, còn đâu là một chiếc SUV. Ngay cả các nhà sản xuất, trong các trường hợp khác nhau có thể gọi sản phẩm của mình là một chiếc SUV, hoặc một chiếc crossover. 

 

Phân biệt crossover và SUV ảnh 1
Thế nào là SUV, "SUV truyền thống”, Crossover?

 

Về mặt ngữ nghĩa, Sport Utility Vehicle (SUV) là từ dùng để chỉ một dòng xe. Cụm từ này không hàm chứa bất kỳ một ý nghĩa về mặt chuyên môn nào, mà đơn giản là một dòng xe có tính năng thể thao, đa dụng, sử dụng được cho nhiều mục đích, từ các nhu cầu đi lại hàng ngày cho đến việc chinh phục địa hình, không gian rộng rãi… Do tính chất sử dụng như vậy nên trong hàng thập kỷ, SUV được thiết kế với gầm cao (dễ đi địa hình), kiểu dáng đuôi vuông vức (rộng rãi), thường dẫn động 2 cầu… Và đặc biệt là sử dụng cấu trúc sườn xe kiểu xe tải với hai dầm chịu lực hình thang đặt dọc (chassis rời) rất cứng vững bên dưới gầm, có khả năng chịu tải lớn. Phần thân xe (body) được sản xuất rời và đặt lên bộ khung sườn này. Kết cấu khung xe dạng này còn được gọi là “Body-on-frame” (thân xe trên sườn xe). Các đặc điểm này gắn liền với SUV, và ngày nay được gọi là “SUV truyền thống”.

Phân biệt crossover và SUV ảnh 2
  
Dầm thép chịu lực hình thang kiểu xe tải.
 
Phân biệt crossover và SUV ảnh 3
Phân biệt crossover và SUV ảnh 4
Chassis rời với hai dầm thép chịu lực dưới gầm của Ford Explorer phiên bản 2006. Ở thế hệ này, Ford Explorer vẫn là một chiếc "SUV truyền thống", tuy nhiên kể từ năm 2011, Ford Explorer đã chuyển sang sử dụng khung liền khối.

Khi kỹ thuật khung không gian và đặc biệt là công nghệ hàn điểm phát triển, các nhà sản xuất ô tô có thể dễ dàng hàn nhiều thành phần thép tấm dập lại với nhau để tạo nên một bộ khung sườn và thân xe liền khối, có độ cứng vững không thua kém cấu trúc sườn rời, trong khi đó lại giảm rất đáng kể khối lượng xe do không còn phải sử dụng dầm chịu lực hình thang bằng thép rất nặng nề. Kỷ nguyên khung xe liền khối (unibody hay monocoque) bắt đầu phát triển. Đặc biệt, sau cuộc khủng hoảng năng lượng thập niên 70, áp lực giảm khối lượng xe để giảm mức tiêu hao nhiên liệu khiến tất cả các nhà sản xuất ô tô đều phát triển cấu trúc khung xe liền khối.

Phân biệt crossover và SUV ảnh 5
 Audi Q7 là một chiếc SUV 7 chỗ, nhưng sử dụng bộ khung liền khối, làm từ nhôm, thép dựa trên công nghệ hàn điểm, ri-vê. Không có chassis rời, mẫu xe này thực tế có thể được gọi là một chiếc crossover.

Ngày nay, kết cấu khung và thân xe dạng này được áp dụng gần như trên mọi chiếc sedan, và lấn sân ngày càng nhiều vào dòng thể thao đa dụng (SUV), đặc biệt là SUV cỡ trung và cỡ nhỏ. Sự thay đổi trong kết cấu khung xe của dòng SUV khiến các nhà sản xuất ô tô đặt ra khái niệm “crossover” (tức “lai” hay “kết hợp”), để ám chỉ một dòng xe mới, có đầy đủ các tính năng địa hình như "SUV truyền thống", thiết kế tương tự "SUV truyền thống", đa dụng, gầm cao, nhưng tiết kiệm nhiên liệu hơn, khối lượng nhẹ hơn nhờ bộ khung sườn liền khối. Crossover đôi khi còn được gọi là CUV (crossover utility vehicle).

Như vậy, sự khác biệt của crossover so với "SUV truyền thống” hoàn toàn nằm ở kết cấu khung sườn/thân xe. Trong khi "SUV truyền thống" có phần chassis dầm thép chịu lực rời, thân xe rời, thì crossover có toàn bộ khung xe liền khối.

Phân biệt crossover và SUV ảnh 6
  
Chassis rời của Toyota Land Cruiser lộ rõ hai dầm thép hình thang cứng vững bên dưới gần xe. Phần thân xe sau đó được đặt trên bộ chassis rời này. Đây là một chiếc "SUV truyền thống”.
Phân biệt crossover và SUV ảnh 7
Phần thân xe rời được đặt phía trên chassis dầm thép của Toyota Land Cruiser.

Đâu là crossover, đâu là SUV?

Sự xuất hiện của thuật ngữ crossover bắt đầu khiến người tiêu dùng lúng túng khi nhìn kiểu dáng, tính năng và các đặc trưng khác ở bên ngoài không có sự khác biệt đáng kể nào giữa crossover và SUV. Sự lúng túng này một phần còn do chính các nhà sản xuất ô tô gây ra. Rất nhiều nhà sản xuất ô tô có lúc gọi một mẫu xe của mình là “crossover”, nhưng lúc khác lại gọi là “SUV”. Lại có không ít nhà sản xuất gọi một mẫu xe của mình là chiếc “crossover SUV”.

Lý do là họ không muốn bỏ hẳn từ “SUV” khi định nghĩa một chiếc crossover của mình, bởi dù sao “SUV” cũng đã gắn liền với hình ảnh của những chiếc xe mạnh mẽ, hầm hố, với bộ khung sườn chắc chắn, không ngại địa hình. Đây là các đặc tính mà rất nhiều khách hàng quan tâm, trong khi nếu gọi những mẫu xe này là “crossover” thì các đặc tính như vậy có phần bị mờ đi. Thậm chí có không ít nhà sản xuất vẫn thường tự hào khẳng định một mẫu xe của mình là “SUV truyền thống đúng nghĩa” để tránh bị nhầm lẫn với “crossover”.

Theo thông lệ, người ta có thể gọi một chiếc crossover là “SUV” hoặc “crossover SUV”. Tuy nhiên, không thể gọi một chiếc “SUV truyền thống” là “crossover”. Ford có thể gọi mẫu crossover cỡ nhỏ có khung sườn liền khối như Ecosport là một chiếc “SUV đô thị”, nhưng không thể gọi Ford Everest là một chiếc crossover, bởi Everest vẫn sử dụng kết cấu chassis rời với hai dầm chịu lực tương tự như mẫu bán tải Ford Ranger. 
Phân biệt crossover và SUV ảnh 8
Ford Everest thế hệ mới vẫn sử dụng cấu trúc chassis rời với hai dầm thép bên dưới gầm, nên đây là một chiếc “SUV truyền thống”. Mẫu xe này chia sẻ chung phần gầm với dòng bán tải Ford Ranger.

Trước năm 2010, Ford không thể gọi mẫu xe Explorer của mình là chiếc crossover, nhưng nay nếu muốn họ có thể gọi Explorer là một chiếc crossover, bởi từ năm 2011, Ford Explorer thế hệ mới đã chuyển từ kết cấu chassis rời sang kết cấu khung xe liền khối. Trong khi đó, Toyota Land Cruiser/Prado vẫn là chiếc "SUV truyền thống" sử dụng chassis rời.

Tại Việt Nam, phần lớn những chiếc xe cỡ nhỏ hoặc cỡ trung có “kiểu dáng” SUV chính là crossover. Honda CR-V, Mazda CX-5, Hyundai Tucson, Mitsubishi Outlander đều là những chiếc crossover. Tuy nhiên, Toyota Fortuner tương tự như Ford Everest vẫn là một chiếc “SUV truyền thống” mà không thể gọi là crossover.

Phân biệt crossover và SUV ảnh 9
  
Mazda CX-5 là một chiếc crossover với bộ khung gầm liền khối.
Trong phân khúc xe hạng sang, Mercedes-Benz GLC, GLE đều có thể được gọi là những mẫu crossover, nhưng thường hãng xe Đức vẫn gọi các mẫu xe nói trên của mình là “SUV”. Trong khi đó, Mercedes-Benz G-Class vẫn sử dụng chassis rời hai các dầm chịu lực bên dưới, nên chỉ có thể được gọi là SUV, mà không thể gọi là crossover. (Thực tế thì các mẫu như G-Class cũng thường không được gọi là SUV mà là xe việt dã (Off-road utility vehicle) chuyên đi địa hình).
Phân biệt crossover và SUV ảnh 10
 Mercedes-Benz GLC sở hữu bộ khung xe liền khối. Hộp số, cầu dẫn động, hệ thống treo, hệ thống lái bên dưới sau đó được lắp vào phần thân xe này mà không cần hai dầm thép chịu lực hình thang bên dưới gầm. Đây chính là một chiếc crossover.

Các mẫu xe khác như BMW X3, X5, Audi Q5, Q7, Porsche Macan, Porsche Cayenne đều sử dụng khung xe liền khối nên có thể được gọi là SUV, crossover hoặc crossover SUV, nhưng không thể khẳng định đây là những chiếc “SUV truyền thống”.

Land Rover trước đây nổi tiếng với các mẫu "SUV truyền thống", có khả năng chinh phục địa hình vượt trội, thì nay cũng đã chuyển dần sang sử dụng khung xe liền khối. Ngay cả dòng Range Rover thì nay cũng đều đã sử dụng khung xe liền khối. Land Rover hiện chỉ còn giữ kết cấu chassis rời truyền thống trên mẫu việt dã Land Rover Defender.

Phân biệt crossover và SUV ảnh 11
  
Range Rover Sport ngày nay cũng là một chiếc xe sử dụng khung liền khối, nên về cơ bản có thể gọi đây là một chiếc crossover.

Đối với Lexus, các dòng cỡ trung và cỡ nhỏ như Lexus RX, Lexus NX là các mẫu crossover sử dụng khung xe liền khối. Tuy nhiên các dòng cỡ lớn như Lexus GX và Lexus LX lại là các mẫu "SUV truyền thống".

Phân biệt crossover và SUV ảnh 12
Lexus LX có chassis rời bao gồm hai dầm thép hình thang cứng vững bên dưới gầm.
Phân biệt crossover và SUV ảnh 13
 
  
Phần thân của Lexus LX được thiết kế thành cụm riêng lắp trên bộ chassis rời này. Đây chính là cấu trúc “body-on-frame”, và là một chiếc "SUV truyền thống".

Có thể thấy, các mẫu thể thao đa dụng (SUV) cỡ trung và cỡ nhỏ, được thiết kế để hướng đến nhu cầu đi lại trên đường phố nhiều hơn đi địa hình, tính năng chinh phục địa hình không phải là ưu tiên hàng đầu thì nay phần lớn đều đã được các nhà sản xuất ô tô chuyển sang sử dụng khung xe liền khối, và có thể gọi là crossover, SUV hay crossover SUV. Trong khi đó, những mẫu thể thao đa dụng (SUV) cỡ lớn, khối lượng lớn, chịu tải trọng lớn, động cơ dung tích lớn, và yêu cầu cao về khả năng chinh phục địa hình thì vẫn được nhiều nhà sản xuất duy trì kết cấu chassis rời. Đây chính là những mẫu “SUV truyền thống”. Giàn chassis rời với hai dầm chịu lực nặng nề bên dưới trên thực tế vẫn bền chắc, có khả năng chịu tải, chịu va đập, chống vặn xoắn thân xe tốt hơn so với khung liền khối.

Phân biệt crossover và SUV ảnh 14
 
Dầm thép cực kỳ chắc chắn bên dưới gầm của chiếc việt dã Mercedes-Benz G-Class.
 
Nghinh Phong
(Theo Nghe nhìn Việt Nam)
Nguồn: www.xedoisong.vn
popup

Số lượng:

Tổng tiền: